Ảnh hưởng của Hà Lan Rangaku

Cộng hòa Hà Lan từ thập niên cuối của thế kỷ 16 cho tới hết thập niên đầu của thế kỷ 18 (thường được gọi là Thời kỳ hoàng kim Hà Lan) đã là quốc gia phát triển dẫn đầu thế giới, đi tiên phong trên nhiều lĩnh vực như chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, khoa học, triết học - tư tưởng, tôn giáo, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, tài chính, quân sự, thám hiểm, hàng hải...

Hà Lan đóng một vai trò then chốt hàng đầu trên vũ đài chính trị của châu Âu và thế giới trong thế kỷ 17. Nhiều vùng đô thị năng động về kinh tế, cởi mở về tôn giáo, đa dạng về sắc tộc trên thế giới trong thế kỷ 17 đã được sáng lập bởi người Hà Lan như Jakarta (thuộc Indonesia ngày nay), New York (thuộc Hoa Kỳ ngày nay), Recife (thuộc Brasil ngày nay), Cape Town (thuộc Nam Phi ngày nay) và Đài Nam (thuộc Đài Loan ngày nay). Giống như một số thành phố thương mại nằm bên bờ biển Baltic (trong đó có GothenburgRiga), Gdańsk (tên gọi trong tiếng Đức: Danzig) là thành phố cảng thuộc Ba Lan ngày nay vẫn giữ được nhiều ảnh hưởng của Hà Lan về kiến trúc và quy hoạch đô thị trong nhiều thế kỷ.

Cộng hòa Hà Lan được nhiều nhà nghiên cứu kinh tế xem là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới trong thời kỳ này (đặc biệt trong suốt thế kỷ 17), đồng thời là quốc gia có nền kinh tế - tài chính hiện đại và cao cấp (tinh vi) hơn hẳn phần còn lại của thế giới. Các dự án đầu tư (gần giống hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày nay) của người Hà Lan thời kỳ này trải rộng hầu khắp các lục địa có người định cư, từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ, từ Bắc Âu (Scandinavia) xuống Nam Phi (ngày nay), từ Tây Âu tới Viễn Đông (bao gồm cả Việt Nam thời Trịnh-Nguyễn phân tranh trong gần hết thế kỷ 17).

Bởi Hà Lan có một ngành công nghiệp đóng tầu tân tiến và hùng mạnh nhất thế giới thời này nên đội tầu thương mại của Hà Lan vượt trội bất cứ quốc gia nào khác cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó Hà Lan cũng có một lực lượng hải quân tinh nhuệ và hùng mạnh hàng đầu thế giới. Trong nhiều trận hải chiến với người Scandinavia, người Iberia (người Tây Ban Nhangười Bồ Đào Nha), người Liên hiệp Vương quốc Anh, hải quân Cộng hòa Hà Lan đã giành chiến thắng ngay trong vùng hải phận, giáp bờ biển đối phương.

Cộng hòa Hà Lan trong thời hoàng kim của nó cũng là quốc gia cấp tiến đáng kể so với phần còn lại của thế giới xét về nhiều mặt như tổ chức chính trị (hệ thống cộng hòa, liên bang), xã hội (bình quyền, tôn trọng sở hữu tư nhân, tự do cá nhân, đề cao vai trò của giới tư sản công thương, chế đội phúc lợi - từ thiện tư nhân dành cho người nghèo), tôn giáo (tính khoan dung cao hơn hẳn phần còn lại của châu Âu) và giáo dục (tỉ lệ người biết đọc và viết cao nhất châu Âu thời kỳ này).

Người Hà Lan đóng một vai trò chủ chốt trong sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt đối với lịch sử Liên hiệp Vương quốc AnhAilenCách mạng Vinh quang (tên trong tiếng Anh: Glorious Revolution) vào năm 1688, với việc Thống chế các tỉnh thống nhất thuộc Cộng hòa Hà Lan (Stadtholder) là William III của nhà Orange-Nassau cũng đồng thời trở thành Vua của Liên hiệp các vương quốc Anh, ScotlandIreland. Sự kiện lịch sử này được nhiều nhà sử học xem là một đỉnh cao của ảnh hưởng chính trị Hà Lan đối với châu Âu trong thế kỷ 17, khi mà những phát minh sáng kiến mang tính đột phá của người Hà Lan trong nhiều lĩnh vực đã được các quốc gia châu Âu khác tiếp thu và cải tiến, trong đó có cả quần đảo Britain.

Nhiều nhà quân chủ giàu tham vọng và quyền lực của châu Âu thời cận đại (đặc biệt trong các thế kỷ 17 và thế kỷ 18) có cảm tình mạnh với người Hà Lan, đặc biệt về văn hóa thương mại, phát triển kinh tế - tài chính và khả năng trị thủy của họ. Nổi bật trong số này có Vua Christian IV của Đan Mạch, Vua Gustavus Adolphus của Thụy Điển, Tsar Pyotr I của Nga, Vua Friedrich Wilhelm I của Phổ. Ở châu Á, Vua Narai của nhà Prasat Thong thời kỳ Vương quốc Ayutthaya (Thái Lan) cũng là nhà cai trị có nhiều thiện chí trong quan hệ về nhiều mặt với người Hà Lan (thông qua đại diện trung gian là Công ty Đông Ấn Hà Lan).

Sa hoàng (Tsar) Pyotr Đại đế được nhiều nhà sử học coi là người khởi đầu cho công cuộc hiện đại hóa của nước Nga dưới thời phong kiến, với những cải cách về nhiều mặt chịu ảnh hưởng mạnh từ các quốc gia Tây Âu, đặc biệt là Cộng hòa Hà Lan. Xét về tầm quan trọng đối với lịch sử Nga, vai trò của thời kỳ do Tsar Pyotr Đại đế (Pyotr I của Nga) cai trị cũng tương đương với tầm quan trọng của thời kỳ Minh Trị Thiên Hoàng cai trị Nhật Bản. Khác biệt đáng kể của hai thời kỳ ở chỗ, thời kỳ Âu hóa hoặc Tây hóa ở Nga (dưới thời Pyotr Đại đế) diễn ra sớm hơn Nhật Bản (dưới thời Minh Trị) chừng hơn 150 năm. Nước Nga đầu thế kỷ 18 cũng chưa phải đứng trước sức ép ngoại xâm như Nhật Bản phải đối mặt ở nửa sau thế kỷ 19. Điểm liên kết giữa hai thời kỳ khác nhau này chính là quan hệ của hai quốc gia với người Hà Lan và Cộng hòa Hà Lan. Trong khi Nhật Bản giữ một quan hệ ngoại giao giới hạn với Cộng hòa Hà Lan (quốc gia phương Tây duy nhất còn giữ quan hệ ngoại giao với Nhật Bản sau khi chính quyền Mạc phủ thực hiện triệt để chính sách đóng cửa đất nước trong hơn 200 năm kể từ năm 1641) thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), thì nước Nga Sa hoàng (Đế chế Nga) dưới thời Pyotr Đại đế duy trì một quan hệ đặc biệt với Hà Lan.

Ngoài nước Nga, người Hà Lan cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa của Đế quốc Thụy Điển ở thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Giống như Pyotr I của Nga, vua Gustavus Adolphus (Gustav II Adolf) của Thụy Điển cũng có một cảm tình đặc biệt với người Hà Lan (trong đó có Hugo Grotius) cũng như văn hóa Hà Lan trong thời kỳ hoàng kim. Điều này giải thích tại sao ông dành sự ưu đãi đặc biệt cho những thương nhân, nhà đầu tư, chuyên gia kênh đào và trị thuỷ đến từ Cộng hòa Hà Lan trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố mới mang tên Gothenburg (Göteborg) theo khuôn mẫu đô thị thương mại kiểu Hà Lan. Nhà đầu tư và thương gia người Hà Lan gốc Bỉ Louis De Geer (1587-1652) thường được coi như người cha đỡ đầu trong lịch sử nền công nghiệp Thụy Điển.

Trên lãnh thổ nước Đức ngày nay cũng như nhiều vùng đất một thời thuộc Đức vẫn còn một số địa phương lưu giữ được những dấu tích về ảnh hưởng của người Hà Lan trong vài thế kỷ trước. Vùng đô thị Friedrichstadt thuộc bang Schleswig-Holstein ngày nay do những người tị nạn tôn giáo (nhiều người trong số đó là thương nhân) sáng lập năm 1621 dưới sự bảo trợ của Công tước Friedrich III của nhà Holstein-Gottorf. Tại thành phố một thời định cư của hoàng gia Phổ là Potsdam vẫn còn khu định cư của người Hà Lan (tên trong tiếng Đức: Holländisches Viertel, tên trong tiếng Anh: Dutch Quarter) gợi nhắc về dấu tích của những di dân do chính vua nước Phổ Friedrich Wilhelm I mời tới từ Cộng hòa Hà Lan để phát triển kinh tế của Vương quốc Phổ những thập niên đầu thế kỷ 18.